Ngoài việc chọn mua được một sản phẩm đồng hồ chất lượng tốt, việc chiếc đồng hồ đó có thể được sử dụng lâu dài hay không phụ thuộc nhiều vào việc bạn có chăm sóc cho nó cẩn thận và kĩ lưỡng hay không.
Điều đầu tiên bạn cần ghi nhớ khi sử dụng các loại đồng hồ cơ là hiểu về các yếu tố môi trường cơ bản có thể ảnh hưởng đến chiếc đồng hồ quý giá của bạn, bao gồm: nhiệt độ, độ ẩm, và từ tính. Bạn cần giữ cho đồng hồ của mình tránh xa khỏi các môi trường nhiệt độ quá cao hoặc có thấp (dưới 5°C và trên 35°C) cũng như các môi trường quá ẩm. Tuyệt đối tránh xa môi trường nước, bất kể chiếc đồng hồ của bạn có kháng nước hay không. Ngoài ra, do đồng hồ có thể dễ dàng bị nhiễm từ (kể cả sau khi bạn đã khử từ cho đồng hồ của mình), hãy lưu ý để đồng hồ của mình tránh xa các môi trường có nhiều từ trường như ở gần tivi, máy sấy, loa phát thanh, tủ lạnh, nam châm…
Thứ hai, tuyệt đối không đeo đồng hồ trong khi hoạt động thể thao. Các chấn động mạnh như rung, lắc cổ tay trong các hoạt động thể thao sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến độ chính xác của đồng hồ. Đó là còn chưa kể đến các va chạm mạnh có thể xảy ra trong quá trình vận động thể thao của bạn. Bởi vậy, hãy nhớ tháo đồng hồ trước khi tham gia bất cứ hình thức hoạt động mạnh nào.
Thứ ba, lên dây cót cho đồng hồ mỗi ngày. Điều này thoạt nghe có vẻ khá phiền phức và thừa thãi, thế nhưng đây thực ra lại là điều cơ bản nhất bạn có thể làm để giữ cho sai số của đồng hồ xuống mức thấp nhất có thể, tránh tình trạng phải mang đồng hồ ra tiệm sửa chữa thường xuyên chỉ vì chạy sai giờ. Việc lên dây cót thường xuyên sẽ giúp tích năng lượng cho cót, giữ cho bộ dao động bên trong đồng hồ vận hành trơn tru và hiệu quả.
Cuối cùng, hãy nhớ bảo dưỡng đồng hồ thường xuyên. Cũng như các loại máy móc khác, những chiếc đồng hồ cơ sau một thời gian hoạt động sẽ cần được tra thêm dầu hay điều chỉnh một số bộ phận đã bị lão hóa, han gỉ… để có thể tiếp tục vận hành trơn tru và ổn định. Thông thường, bạn nên đưa đồng hồ đi bảo dưỡng định kì khoảng từ 3 đến 4 năm, tùy thuộc vào yêu cầu của mỗi hãng.